Hội nghị khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEMCON) thường niên lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội ngày 18/8 (Ảnh: USAID) |
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hơn 200 nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân đã tham dự sự kiện đánh dấu quan hệ hợp tác thành công giữa Việt Nam và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) nhằm cải thiện lĩnh vực đào tạo nhóm ngành STEM tại các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam trong 8 năm qua.
Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEMCON) thường niên lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội ngày 18/8, do Đại học Bang Arizona tổ chức, với sự hỗ trợ từ USAID và sự phối hợp của trường Đại học Phenikaa cùng các đối tác. Hội nghị năm nay có chủ đề “Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực STEM tại Việt Nam: Xây dựng kỹ năng số hóa, tài năng công nghệ và kỹ thuật trên quy mô lớn”, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết: nuôi dưỡng lực lượng lao động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) giàu năng lực, có khả năng thích ứng và thúc đẩy nền nền kinh tế số của Việt Nam hướng tới một tương lai thịnh vượng.
Tại sự kiện, Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cho biết: “Thông qua liên minh công-tư BUILD-IT, Chính phủ Hoa Kỳ đang hỗ trợ thúc đẩy mục tiêu chung với Việt Nam nhằm cải thiện giáo dục đại học và trang bị cho sinh viên hành trang để thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Chúng tôi đã phát huy hiệu quả từ mong muốn và cam kết chung giữa khối doanh nghiệp, chính phủ và trường đại học để hiện đại hóa giáo dục STEM, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.”
Triển khai vào năm 2015, dự án BUILD-IT với ngân sách 8,7 triệu USD đã khai thác hiệu quả khả năng to lớn của chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác học thuật để tăng cường kỹ năng lãnh đạo chiến lược, thúc đẩy tự chủ đại học, cải thiện chương trình và chất lượng giảng dạy cũng như duy trì quan hệ đối tác lâu dài với khu vực tư nhân.
Dự án đạt được tác động lâu dài thông qua: Hợp tác với 8 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Phenikaa; tận dụng các nguồn lực từ 20 đối tác doanh nghiệp để đầu tư thêm 8,7 triệu USD vào giáo dục đại học tại Việt Nam.
Kết quả đạt được thông qua các quan hệ đối tác này bao gồm: 121 chương trình giáo dục đã đạt kiểm định khu vực và quốc tế, trong đó lần đầu tiên tại Việt Nam 12 chương trình được kiểm định bởi ABET - tổ chức kiểm định hàng đầu quốc tế về kỹ thuật và công nghệ; hơn 2.000 khóa học được thiết kế lại để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động số mới; 4.000 lãnh đạo và cán bộ trường đại học đã cải thiện kỹ năng trong về lãnh đạo, xây dựng chiến lược, đổi mới chương trình giảng dạy và tăng cường quan hệ đối tác với khối doanh nghiệp; 4.600 sinh viên được hưởng lợi từ các hoạt động của chương trình giảng dạy theo dự án.
Thông qua sự hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, lĩnh vực đào tạo nhóm ngành STEM tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong 8 năm qua đã có những cải thiện đáng kể (Ảnh: USAID) |
Bên cạnh đó, các Không gian Sáng chế (Maker Innovation Spaces) được thiết lập tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo đổi mới của sinh viên, nâng cao năng lực của trường đại học trong việc đưa các dự án ứng dụng vào chương trình giảng dạy và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp. Những không gian sáng chế này mang đến một cơ chế bền vững để hỗ trợ sinh viên đại học có thể sáng tạo, phát triển và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật.
Cùng với Chính phủ Việt Nam và hợp tác với các tổ chức giáo dục đại học và khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, USAID hỗ trợ thúc đẩy cải cách mang tính hệ thống và thể chế cho giáo dục đại học nhằm trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những hành trang để thành công trên thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh./.