Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm, tập trung cho giáo dục, trong đó tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy nhân tố con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có bước phát triển vững chắc, khẳng định vị trí giáo dục của tỉnh so với cả nước.
Với quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển,...", tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm, tập trung cho giáo dục, trong đó đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy nhân tố con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Trung bình giai đoạn 2013 - 2022, ngân sách tỉnh chi cho GDĐT đạt 21,32% tổng chi ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo
Tỉnh đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Ban hành và triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, Đề án đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đặt hàng đào tạo cho 4.136 học sinh, sinh viên học 14 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Cùng với đó, để đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GDĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; kết hợp dạy người, dạy chữ, dạy nghề, tỉnh chỉ đạo ngành GDĐT tập trung thực hiện đổi mới nội dung, chương trình GDPT, thay sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và chuẩn bị cho triển khai đối với lớp 4, 8 và 11.
Đặc biệt, trong 2 năm học 2020-2021, 2021-2022, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục, tổ chức tập huấn và chỉ đạo các CSGD tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát tại địa phương để tổ chức giảng dạy những nội dung trọng tâm, cốt lõi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, bảo đảm việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, hoàn thành chương trình. Chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng được nâng cao. Việc đánh giá chất lượng giáo dục được tỉnh triển khai thông qua nhiều hình thức.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm rà soát, sắp xếp, đào tạo, đào tạo lại. Đến nay, 100% cán bộ nguồn lãnh đạo sở GDĐT có trình độ sau đại học. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đều trên 90% ở các cấp học. Công tác chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, có nhiều chuyển biến tích cực, dự kiến sẽ hoàn thành nâng chuẩn giáo viên trước năm 2025, sớm hơn 05 năm so với Nghị định số 71 của Chính phủ.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thường xuyên thực hiện đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia của xã hội. Công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng kể. Dân số biết chữ độ tuổi từ 15-35 đạt 98,17% và độ tuổi từ 15-60 đạt 96,43%. Công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh phát triển đúng định hướng của nhà nước, tăng tỷ lệ trường tư thục đối với GDMN, cấp trung học, GDNN và GDĐH. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 90 trường ngoài công lập, hơn 200 trung tâm ngoại ngữ, tin học được đầu tư và hoạt động hoàn toàn theo phương thức xã hội hóa… Công tác chăm lo cho khuyến học, khuyến tài được các cấp chính quyền quan tâm, phối hợp, vận động các doanh nghiệp triển khai trực tiếp các chương trình an sinh xã hội, từ nguồn kinh phí hỗ trợ trên giúp các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mọi nghịch cảnh, phấn đấu đạt thành tích học tập xuất sắc và trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội…
Ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý được tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để triển khai các nhiệm vụ KH&CN, trong đó có các nhiệm vụ khoa học giáo dục và khoa học quản lý, bổ sung căn cứ để các nhà khoa học, giáo viên, giảng viên thực hiện nhiệm vụ khoa học vừa trực tiếp làm ra sản phẩm, vừa hỗ trợ chuyển giao đưa công nghệ mới vào phục vụ đời sống và quản lý. Thực hiện chủ trương “Tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia”, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên, giảng viên nhất là các giảng viên trẻ của các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh tham gia tuyển chọn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Duy trì thường xuyên nhằm tổ chức hội thi, cuộc thi: sáng tạo kỹ thuật; sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng; Đổi mới sáng tạo ngành chế biến và khai thức thủy sản;... khích lệ, động viên học sinh sinh viên tham gia hưởng ứng. Trong 10 năm thực hiện, có 53 dự án được chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, kết quả đã có 44 dự án đạt giải, trong đó có 7 giải nhất, 5 giải nhì, 16 giải ba và 16 giải tư. Sau cuộc thi cấp quốc gia đã có 48 học sinh được tuyển thẳng vào đại học.
Từ những thành quả đạt được, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo được dấu ấn riêng khi trở thành tỉnh có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh và bền vững trong khu vực, cũng như cả nước. Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước.
Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân trong trường học. |
Ưu tiên phát triển con người để hướng tới tương lai
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển GDĐT trong thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 02-CTr/TU tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo tại địa phương. Đẩy mạnh đổi mới công tác quản trị, quản lý trong ngành giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, nghiêm minh; tăng cường phân cấp quản lý cho các CSGD, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy, học tập. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, đào tạo.
Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân. Tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong trường học; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, tập trung tổ chức tuyên truyền, thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau THCS, sau THPT.
Tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp của các trường công lập hiện có trên địa bàn tỉnh. Huy động nguồn xã hội hóa phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập, phát triển hệ thống trường ngoài công lập đảm bảo mục tiêu, kế hoạch theo Phương án phát triển giáo dục đào tạo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy dân chủ trong các CSGD tạo sự đoàn kết đồng thuận trong cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh và các em học sinh. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển giáo GDĐT.
Thực hiện các cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Tập trung đào tạo, phát triển ngành nghề phù hợp với ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, chính sách thu hút người học trung cấp và cao đẳng (trọng điểm là nhân lực trong dịch vụ ngành du lịch, thương mại, các khu công nghiệp...). Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông (PASEC, PISA...) và các bảng xếp hạng trường đại học có uy tín quốc tế./.