Sinh ra và lớn lên tại xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cô giáo Quách Thị Bích Nụ là người thấu hiểu rất rõ hoàn cảnh của người dân nơi đây. Với gần 60% gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sống rải rác bên các triền đồi ven bờ sông nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền. Do đó, việc học hành của các em nhỏ cũng trở nên khó khăn hơn; nhiều gia đình không muốn cho con em đến trường.
Năm 2005, khi được phân công về học việc tại điểm trường xóm Nhạp của Trường Mầm non Đồng Ruộng (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc) cô Nụ đã tình nguyện đưa đón các em đến trường ngày 2 buổi để phụ huynh yên tâm. Từ đó, không kể thời tiết mưa nắng, hằng ngày, cô Nụ vừa quán xuyến công việc chăm trẻ, vừa tình nguyện chèo đò, đưa học sinh xóm Nhạp đến trường…
Hướng ánh mắt ra phía dòng sông Đà trong xanh, cô Nụ chia sẻ, những ngày đầu, phương tiện đến lớp của cô trò chỉ là chiếc bè được ghép từ những thân tre, rồi trộn xi măng trát lên trên để làm thuyền. Nắng ráo không vấn đề gì, nhưng gặp lúc thời tiết xấu, trời mưa, sương mù, giá rét, việc đi lại rất vất vả, tầm nhìn bị hạn chế… Khi ấy cô và trò phải nép vào bờ chờ hết gió lại đi tiếp.
Sau nhiều năm đưa đón học sinh, chiếc thuyền nhỏ dần xuống cấp. Nhận thấy việc đưa đón các cháu sẽ không đảm bảo an toàn, năm 2011, sau khi bàn bạc và được sự đồng tình ủng hộ của gia đình, cô Nụ đã quyết định bán cặp bò vốn là của hồi môn của hai vợ chồng để đóng chiếc thuyền bằng sắt, tiếp tục đưa đón các em nhỏ đến trường.
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã dành gần 20 năm để đưa đón các thế hệ học sinh đến trường. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Điểm đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, gần 20 năm cô Nụ đưa đón các cháu học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện; cô không yêu cầu gia đình các cháu đóng góp bất cứ thứ gì. Mong muốn duy nhất của cô là đưa đón các con an toàn để các con có thể được đến trường học cái chữ. “Tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu cháu, bao nhiêu chuyến đò; chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2 cháu, năm nhiều nhất là 18 cháu. Nhớ nhất là những lần mưa bão, giông gió cả tuần, cô trò dù rất muốn đến trường học nhưng không thể nào vượt sông… Tôi luôn coi các cháu như người thân yêu của mình. Đến nay, việc đưa đón các cháu luôn được diễn ra an toàn và bảo đảm các cháu đến lớp kịp giờ học", cô Nụ chia sẻ.
Không chỉ tình nguyện đưa đón các em nhỏ đến trường, cô giáo Quách Thị Bích Nụ còn luôn tích cực tìm tòi phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong thiết kế các mô hình học cụ nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Nhiều năm liền, Trường mầm non Đồng Ruộng luôn dẫn đầu ngành giáo dục huyện Đà Bắc về phong trào “Dạy tốt, học tốt”.
Theo đồng chí Quản Văn Giang, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc, do điều kiện đặc thù, nhiều em học sinh ở điểm trường Nhạp (xã Đồng Ruộng), phải qua sông, qua đò mới có thể đi học. Khó khăn là vậy, song Trường Mầm non Đồng Ruộng đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt, là một điểm sáng trong ngành giáo dục huyện Đà Bắc. Những thành tích đó có được là nhờ sự cố gắng của tập thể Ban Giám hiệu nhà trường, Hội đồng sư phạm trường Mầm non Đồng Ruộng, trong đó có cô giáo Quách Thị Bích Nụ.
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ luôn tận tâm với học trò. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Với tinh thần trách nhiệm cùng sự tận tụy, hết lòng vì trẻ thơ, năm 2023, cô giáo Quách Thị Bích Nụ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc. Dù ở bất cứ cương vị nào, là người giáo viên trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ hay làm cán bộ quản lý, cô Nụ vẫn thể hiện được năng lực, trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gần 20 năm gán bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã nhiều lần được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Cô cũng là một trong những điển hình tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là cá nhân xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.
Ngày 17/11 vừa qua, cô Quách Thị Bích Nụ là một trong số 58 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023" do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.